Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường cho biết từ nay tới năm 2018 sẽ xây dựng 10 khu nhà ở giá rẻ đầu tiên tương ứng với khoảng 10.000 căn hộ dành cho công nhân.
Chiều 8/6, bên lề kỳ họp Quốc hội, ông Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh việc xây dựng nhà ở dành cho người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.
– Được biết, Thủ tướng vừa ký quyết định, phê duyệt đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp – khu chế xuất”, trong đó có đề cập đến việc xây dựng nhà giá rẻ từ 100 đến 200 triệu đồng mỗi căn để bán cho đoàn viên, công nhân lao động. Ông có thể cho biết rõ hơn về việc này?
– Như chúng ta đã biết, tuy đã có nhiều sự quan tâm tới công nhân lao động cả về vật chất và tinh thần nhưng hiện đời sống của một bộ phận tại các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) còn nhiều khó khăn.
Trong bối cảnh đó, Tổng Liên đoàn LĐVN đã đề xuất xây dựng đề án xây dựng thiết chế công đoàn phục vụ công nhân lao động tại KCN, KCX và đã được Thủ tướng phê duyệt bằng quyết định 655, ngày 12/5/2017.
Theo đó, thiết chế của công đoàn gồm nhà ở, nhà trẻ, siêu thị công đoàn cũng như hoạt động chăm sóc y tế và các hoạt động khác theo nhu cầu công nhân lao động.
Mục tiêu tới năm 2020 sẽ xây dựng 50 thiết chế tại 50 KCN, KCX trong cả nước và 2030 phấn đấu tất cả các KCN, KCX sẽ có thiết chế công đoàn. Việc xây dựng thiết chế công đoàn phục vụ công nhân trong cả nước, cũng là nơi thu hút người lao động đến với tổ chức công đoàn.
Việc xây dựng các thiết chế này sẽ góp phần giải quyết vấn đề bức xúc của địa phương, chăm lo cho công nhân lao động bằng những việc làm cụ thể. Việc này góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương, thu hút đầu tư, giúp nông dân không nhảy việc, đồng thời giảm ùn tắc giao thông khi lượng lớn công nhân tan ca, vào làm.
Bên cạnh đó, có thiết chế cũng đáp ứng nhu cầu rất thiết thực của công nhân lao động. Hiện các KCN, KCX mới chỉ đáp ứng 2-10% nhu cầu tối thiểu về nhà ở, nhà trẻ, mua sắm các vận dụng thiết yếu, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, các hoạt động văn hoá thể thao…
– Vậy những đối tượng nào sẽ được ưu tiên mua căn hộ giá rẻ này, thưa ông?
– Chúng tôi đã xây dựng quy chế, quy chuẩn đối tượng được mua phải là đoàn viên đang có khó khăn về nhà ở, đang làm việc tại các KCN, KCX. Vấn đề này phải được làm chặt chẽ để tránh đầu cơ.
Ví dụ, nếu người lao động mua nhưng không có nhu cầu ở trong 5 năm đầu thì phải bán lại cho ban quản lý chứ không được bán trao tay. Chúng tôi cũng làm việc với hệ thống ngân hàng để cho vay ưu đãi trong 10 năm.
Người lao động có thể lựa chọn hai phương án, mua căn hộ trả tiền ngay hoặc trả góp trong 10 năm. Chúng tôi tính toán, mỗi cặp vợ chồng mỗi tháng tiết kiệm 1,8-2 triệu đồng, thì 5-7 năm sẽ mua được nhà ở diện tích 30 m2. Chúng tôi ước tính đơn giá sẽ dao động 4-5 triệu đồng/ m2, với căn ở tầng cao có giá từ 3-3,5 triệu đồng/m2.
– Ông có thể cho biết khu vực nào sẽ được lựa chọn thí điểm triển khai trước tiên?
– Theo kế hoạch từ nay tới năm 2018 sẽ xây dựng 10 thiết chế đầu tiên tại Hà Nam, Quảng Nam và Tiền Giang. Khoảng tháng 6 sang năm sẽ có khu thiết chế đầu tiên với hơn 1.000 căn tại KCN Đồng Văn (Hà Nam).
Hiện chúng tôi đã làm việc với tỉnh uỷ, UBND tỉnh Hà Nam để thống nhất cơ chế đặc thù hỗ trợ để đẩy nhanh tiến độ triển khai, vì nhu cầu rất lớn của công nhân lao động. Từ năm 2019 trở đi sẽ xây tiếp 40 thiết chế nữa.
Chúng tôi đã đi vào Bình Dương nghiên cứu kỹ ưu nhược điểm mô hình này để việc xây dựng sẽ tốt hơn. Ví dụ ở Bình Dương chỉ xây nhà còn các thiết chế phục vụ như công viên cây xanh ít. Chúng tôi sẽ làm tổng thể, để khi công nhân về ở sẽ thấy đó là nơi đáng sống chứ không phải là nhà lắp ghép đơn thuần.
Đây là chương trình, dự án không có lợi nhuận, nên đã đã xin cơ chế Nhà nước và địa phương cấp đất không thu tiền, địa phương hỗ trợ hạ tầng giao thông, điện nước đến chân công trình… Việc thi công triển khai dự án sẽ phải tiết kiệm và tiết giảm chi phí tối đa.
Với chủ trương này, nhu cầu đến đâu sẽ xây dựng đến đó, và khi xây dựng xong tất cả các căn hộ phải sáng đèn.
– Xin cảm ơn ông!